Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Chơi lâu với các bạn Nhật, chúng ta đều có thể nhận thấy sự khác biệt rất rõ rệt giữa các thế hệ của họ. Các bác Nhật khoảng 60-70 tuổi thường là những người hào sảng, ăn to nói lớn, nói chuyện hay ho, thú vị, một số người hơi xấu tính tí, nhưng vẫn là ăn to nói lớn.

Ảnh chụp một thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời phổ cập giáo dục :D 
Người chụp là một thanh niên thế hệ mất mát của Nhật Bản


Còn một nhóm khác là các thanh niên 20-30-ngấp-nghé-40 tuổi. Các bạn này thường thì ngược hẳn lại, tự ti, rụt rè, nhút nhát, dễ bị tổn thương, không biết tán gái nếu là giai, không biết sử dụng máy tính, thiếu động lực sống, thụ động, sếp bảo làm thì làm, nếu làm sai thì là do cơ chế công ty, hoặc do công việc này chưa phát huy hết các tiềm năng của bản thân nên cần phải quit, mô tả chung chung là như vậy.

Báo chí, và các nhà tư vấn hướng nghiệp, tư vấn sự nghiệp hay gọi các bạn này là Yu-to-ri-sedai (ゆとり世代 ), “thế hệ lỏng loẹt” (mình tự dịch). Tuy không có định nghĩa cụ thể, hoặc mình chưa đọc được cái nghiên cứu nào mang tính mainstream về vấn đề này, nhưng thế hệ Yutori thường được coi là những người sinh khoảng cuối những năm 1980 cho đến đầu những năm 2000. Lý do là trong thời gian đó, Chính phủ Nhật thực hiện nhiều chính sách cải cách giáo dục với xu hướng giảm tải, giải phóng học sinh. Và chính sách giáo dục này thường được gọi là Chính sách Giáo dục Yutori.

Chính sách Yutori ra đời trong bối cảnh tình trạng học hành thi cử của học sinh vào những năm 1970 ở Nhật mang tính nhồi nhét, học sinh phải học thuộc lòng nhiều kiến thức mà không hiểu lý do tại sao, học vô cùng nhiều nhưng đến lúc thi xong thì lại quên sạch. Giáo viên bị ép dạy nhiều thứ khó trong thời gian gấp rút, dẫn đến tình trạng nhiều bạn học sinh không theo kịp. Đây thực chất cũng là chính sách giáo dục được sử dụng trong thời Cải cách Minh Trị, cũng như trong thời kỳ phát triển kinh tế thần kỳ, khi người Nhật coi trọng giáo dục và kiến thức để bắt kịp với thế giới.

Báo chí truyền thông chỉ trích phương pháp giáo dục này, nên đến năm 1977, Bộ Giáo dục bắt đầu chương trình cải cách giảm tải. Tiết học giảm từ 50 phút xuống còn 45 phút. Thời gian thừa ra trong ngày được gọi là Thời gian tự do Yutori-jikan, các cháu tự học tự chơi, hoặc tự tìm tòi tìm hiểu các thứ các cháu thích, không bị các thầy cô dạy dỗ nữa. Các bài thi trắc nghiệm được đưa vào thay thế cho các bài thi viết. Chương trình học hướng đến sự vui vẻ, thoải mái là chính.

Tới năm 1992, các trường công và quốc lập bắt đầu thực hiện chế độ tuần học 5 ngày, nghỉ Thứ Bảy và Chủ Nhật. Chương trình học tiếp tục được giảm tải. Giáo dục theo xu hướng mới, chỉ chú trọng đào tạo những phần cơ bản cốt lõi, tập trung vào phát triển cá tính, cái riêng, chất riêng của từng học sinh. Thời gian tự học tự chơi tiếp tục tăng lên.

Đến những năm 2002, nhận thấy có một số vấn đề của Yutori-kyoiku như kiểu thời gian học tự do thì thầy cô giáo không biết tổ chức lớp học như nào, nên là toàn tổ chức cho các cháu đi chơi dã ngoại các thứ. Đặc biệt, trong những năm 2004-2007, Nhật Bản bị tụt hạng nghiêm trọng trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD (PISA). Chương trình này đánh giá khả năng đọc hiểu, toán và khoa học của học sinh phổ thông tại các nước thành viên OECD, và sau này có mở rộng ra nhiều nước khác nữa. Năm 2016, Việt Nam đã khiến thế giới bất ngờ về kết quả tốt trong chương trình này.

Kết quả tệ hại (từ số 1 xuống số 8 ~ 15) khiến các bạn Nhật lại một lần nữa hốt hoảng. Các bạn Nhật huỷ bỏ chính sách Yutori này và thay thế nó bằng một chính sách khác theo hướng gia tăng về khối lượng kiến thức và kỹ năng sống. Gọi là chính sách “không phải nhồi nhét, nhưng cũng không lỏng loẹt”

Tất nhiên là các cháu đang học tiểu học ở Nhật thì học theo chính sách mới này, kết quả thế nào thì cũng cần phải cân nhắc.

Còn các bạn thời đại Yutori thì đều đã nhớn, nhiều người đã học xong và ra trường đi làm rồi. Các bạn đang là sự đau đầu của nhiều sempai và boss, nhưng lại là nguồn cảm hứng cho các nghiên cứu chính sách, xã hội, giáo dục, tâm lý của nhiều bạn khác, và có thể là những gợi ý chính sách cho nhiều bạn ở các nước khác nữa.

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Nỗi đau khổ của Emma

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Tiếp biến văn hoá