Nỗi đau khổ của Emma

Đây là một bài viết khá thú vị để hiểu về sự khác nhau của các thế hệ trong xã hội Mỹ, mình lượm được trên WaitButWhy của anh Tim Urban, dịch lại và thay đổi chút chút thôi.

Tình hình ở xã hội Mỹ khác Việt Nam mình, tất nhiên rồi!

Và có một sự thật là Việt Nam mình bị tụt hậu hơn họ một vài thế hệ so với họ về nhiều mặt.
Nhưng ở thời đại thế giới phẳng này, mình và họ cũng chia sẻ nhiều vấn đề với nhau đúng không nào?

   

Đây là Emma.

Emma là thuộc thế hệ trẻ, sinh vào khoảng từ cuối những năm 1980 cho đến giữa năm 2000.
Emma cũng là một trong bạn trẻ đầy hoài bão, kiểu yuppie (tức là Young, Upwardly Mobile, Professional Person). Yuppie là nhóm chiếm phần lớn trong thế hệ Y.


Tôi gọi những yuppie thế hệ Y là GYPSYs (Generation Y Protagonists & Special Yuppies, nghĩa là những thanh niên thế hệ Y đặc biệt và thích làm trung tâm). GYPSYs là một thể loại đặc biệt của yuppie.

Chúng là những người luôn coi bản thân mình là nhân vật chính trong một câu chuyện đặc biệt.
Emma rất tận hưởng cuộc sống GYPSY của mình, và cô ấy cũng rất hài lòng khi được là Emma.

Chỉ có một vấn đề duy nhất: Cô ấy không hạnh phúc.

Để hiểu được ngọn ngành, chúng ta cần hiểu rõ được điều gì khiến cho ai đó vui hoặc không vui ngay từ đầu. Tất cả đều xuất phát từ một công thức đơn giản như thế này:

Thẳng tuột luôn nhá!


Khi thực tế cuộc sống giống như ta mong đợi, ta vui vẻ.

Khi thực tế tồi tệ hơn mong đợi, vui vẻ đếch gì!

Để câu chuyện ra đầu ra cuối, ta mời thêm bố mẹ của Emma vào để nói cho rõ!
Bố mẹ Emma sinh ra vào những năm 1950s – “Thế hệ Bùng nổ Dân số” đấy! 
Họ được nuôi dạy bởi ông bà của Emma, thành viên của “Thế hệ Vĩ đại”, những người lớn lên trong thời kỳ đại khủng hoảng, chiến đấu trong chiến tranh thế giới thứ II, và nhất định là chả có tí GYPSYs nào rồi.




Ông bà Emma luôn bị ám ảnh bởi sự ổn định kinh tế, và luôn dạy bố mẹ Emma phải có tính thực tế, có nghề nghiệp ổn định.

Ông bà luôn muốn bố mẹ Emma phải có được tương lai sung túc giàu có hơn chính họ.
Đồng cỏ của con cái phải xanh hơn đồng cỏ của chính họ.
Kiểu vậy!

Bố mẹ Emma được dạy rằng không có gì có thể ngăn cản được họ đến với đồng cỏ xanh non mơn mởn ấy, nhưng họ cần phải làm việc chăm chỉ vất vả nhiều năm mới được.



Sau khi rời bỏ cuộc sống hippy lập dị của ông bà, bố mẹ Emma bắt đầu gây dựng sự nghiệp cho mình.

Kinh tế thế giới những năm 1970s, 1980s, 1990s phát triển ổn định chưa từng có.

Cha mẹ Emma làm tốt hơn những gì họ mong đợi.

Họ cực kỳ hài lòng và lạc quan vào tương lai.



Với cuộc sống ổn định và nhiều trải nghiệm tích cực, bố mẹ Emma nuôi dạy Emma với tinh thần lạc quan kiểu không có gì là không thể.

Mà không chỉ có bố mẹ Emma đâu, Thế hệ Bùng Nổ Dân số trên khắp thế giới đều dạy con cái mình rằng chúng có thể làm mọi thứ chúng muốn, tạo nên tâm lý muốn làm ” trung tâm vũ trụ" trong các bạn trẻ thế hệ Y.



Họ khiến cho bọn GYPSYs thấy cực kỳ hí hởn về tương lai của mình, tới mức mà bọn chúng cảm thấy đồng cỏ xanh mơn mởn an toàn ổn định kia cũng không có ý nghĩa nhiều lắm.

Một đồng cỏ xứng đáng với chúng hắn là phải có HOA NỞ kia!


Thế nên đặc điểm đầu tiên của bọn GYPSY là: Chúng nó cần nhiều hơn một sự nghiệp là cánh đồng xanh non an toàn ổn định.

Một cánh đồng cỏ xanh non không thôi thì có cái gì mà hay ho hay đặc biệt cơ chứ!!

Cha mẹ chúng chỉ muốn sống Giấc-mơ-Mỹ, nhưng bọn GYPSY thì muốn sống Giấc-mơ-của-chính-mình cơ!

Cal Newport đã chỉ ra rằng, cụm từ “follow your passion” (theo đuổi đam mê) là một cụm từ đang khá thời thượng trong 20 năm qua, theo số liệu thống kê bởi Google’s Ngram viewer, một công cụ theo dõi những từ khóa được sử dụng nhiều trên các phương tiện thông tin trong một khoảng thời gian nhất định. 

Và những cụm từ như “a secure career” (sự nghiệp ổn định) đã lỗi mốt rồi, trong khi cụm từ “a fulfilling career” (sự nghiệp viên mãn) lại hot hơn bao giờ hết.



Rõ ràng là, bọn GYPSY không còn ham muốn cái sự ổn định về mặt kinh tế như bố mẹ chúng nữa.

Chúng nó muốn phải hài lòng, phải thỏa mãn về công việc chúng làm cơ, theo một cách mà bố mẹ chúng nó đếch thể hiểu được.


Nhưng cũng có một chuyện khác nữa. 

Trong khi mục tiêu nghề nghiệp của thế hệ Y trở nên cụ thể và tham vọng hơn, từ khi còn bé tí, những người như Emma lại luôn được dạy rằng: “Con rất đặc biệt.”


Và chắc đây là lúc nên nói điều thứ hai về bọn GYPSY này: Chúng nó khá là ảo.


Emma luôn được dạy rằng: “Chắc chắn rồi. Mọi người sẽ phải lao ra và tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng tôi là một người tuyệt vời một cách hiếm có, và vì thế mà sự nghiệp và lối sống của tôi cũng phải nổi bật trong đám đông cơ.” 

Tức là ngoài việc cả nhóm GYPSY này cũng đều có mục tiêu chung là một đồng cỏ nở hoa, nhưng riêng từng đứa thì lại nhắm đến mục tiêu tốt đẹp hơn – “Một con ngựa một sừng sáng lấp lánh trên đồng cỏ nở hoa ấy”

Thế cơ mà! 
Tại sao chúng nó lại ảo như thế? 
Ấy là bởi vì những gì bọn GYPSY nghĩ về định nghĩa của từ “đặc biệt” là như này:

ĐẶC BIỆT: tốt hơn, vĩ đại hơn, hoặc khác biệt với cái bình thường thường có

Theo định nghĩa này, hầu hết mọi người đều không đặc biệt.
Phải thế chứ nếu không thì đặc biệt còn nghĩa méo gì nữa.

Ngay cả bây giờ, khi bọn GYPSY đang đọc đến dòng này, chúng nó sẽ bắt đầu nghĩ “Nói hay đấy! Nhưng tôi thấy là một trong những đứa đặc biệt một cách hiếm hoi đấy”

Đây chính là vấn đề.

Một suy nghĩ ảo nữa mà bọn GYPSY hay có là khi chúng lao mình vào thị trường lao động.
Nếu bố mẹ Emma cho rằng nhiều năm làm việc vất vả nhất định sẽ mang lại sự nghiệp tốt, Emma thì lại nghĩ rằng sự nghiệp vĩ đại là một điều hiển nhiên đối với những người đặc biệt như cô ấy.

Và cái đó chỉ là vấn đề thời gian và lựa chọn hướng đi thôi.
Kỳ vọng trước khi đi làm của Emma là giống như trong hình ấy.


Không may thay, thế giới toàn những điều không ngờ và công việc thì hóa ra lại khó khăn vãi chưởng.

Mấy cái gọi là sự nghiệp vĩ đại ấy mà, toàn được tính bằng nhiều năm công sức, đổ bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và máu ra để xây ấy, kể cả những thể loại sự nghiệp mà không có con ngựa một sừng hay hoa hoét gì ở trên đấy cơ.

Mà ngay cả những người thành công nhất cũng hiếm khi thành công như thế khi họ mới hai mươi, hai mươi mấy tuổi cơ.

Nhưng bọn GYPSY thì nhất định không chịu chấp nhận điều này.

Paul Harvey, giáo sư đại học New Hampshire và cũng là chuyên gia về GYPSY, đã nghiên cứu về điều này và phát hiện ra rằng thế hệ Y có “những kỳ vọng không thực tế và sự chống đối mạnh mẽ khi chấp nhận những phản hồi tiêu cực”, và có “một cái nhìn vênh váo về bản thân”.

Ông cho rằng, “Nguồn cơn của cảm giác vỡ mộng đối với những người luôn có ý thức mạnh mẽ về quyền lực của mình chính là những kỳ vọng không được đáp lại” (Thầy nói khó hiểu vãi ^^)

Bọn GYPSY thường cho mình cái quyền được tôn trọng và ban thưởng mà chả có liên quan méo gì đến năng lực hay nỗ lực thực sự của bản thân cả.
Và vì thế nên chúng nó có thể không có được mức tôn trọng hay ban thưởng mà chúng mong muốn.

Khi tuyển dụng những người thế hệ Y, Harvey đề xuất câu hỏi: “Bạn có cảm thấy bạn nói chung là hoành tráng hơn đồng nghiệp/bạn học của bạn không? Nếu có thì tại sao?”

Ông nói rằng nếu ứng viên trả lời "có" xong lại ngắc ngứ ở phần “tại sao” thì chắc chắn là có vấn đề trong việc tự gắn nhãn cho bản thân.

Ấy là bởi vì tự gắn nhãn thường dựa trên những cảm giác không có căn cứ, có lẽ là do từ những bài học về xây dựng tự tôn thái quá hồi còn trẻ, cho rằng chúng đặc biệt theo một cách nào đó, nhưng lại chả có căn cứ nào cho cái suy nghĩ ấy cả.

Cuộc sống luôn thẳng tay cân nhắc những gì có căn cứ, thế nên sau vài năm tốt nghiệp ra trường, Emma thấy mình giống như trong hình.


Tham vọng của Emma, cùng với sự kiêu ngạo đã hơi có tí đánh lừa việc tự định giá bản thân của cô, cho cô những kỳ vọng kinh khủng ngay từ những năm mới tốt nghiệp.
Thực tế thì chẳng được tí nào như là kỳ vọng, thế nên là kết quả của cái công thức “thực tế trừ đi kỳ vọng” âm luôn.

Tệ hơn, các thanh niên GYPSY còn gặp phải một vấn đề chung cho cả thế hệ nữa cơ: "Chúng luôn bị chế nhạo."

Thì tất nhiên là bố mẹ Emma cũng có một vài người bạn thành công hơn họ thôi.
Nhưng năm thì mười họa họ mới gặp nhau để được nghe nói về điều này.
Thế nên thành ra phần lớn thời gian họ cũng chẳng biết bạn bè mình sống như nào hay thành công như nào.

Emma thì lại thường xuyên bị chế giễu bởi một hiện tượng mới: Tự sướng trên mạng xã hội


Các thể loại mạng xã hội này tạo ra cho Emma một thế giới mà trong đó: 

a) Những gì mọi người làm ở đâu được chia sẻ mái thoải luôn; 
b) Hầu hết mọi người đều giới thiệu trên đó một phiên bản đã được tút tát nhiều của bản thân họ; 
c) Những người nói nhiều về công việc (hay tình yêu tình báo) là vì những khoản này họ ổn, còn những người đang vật lộn thì chả bao giờ nói giề.


Cái này khiến cho Emma cảm thấy mọi người đều làm rất tốt, và nó lại khiến cho cô càng đau khổ hơn.
Thế nên là Emma không vui, hoặc cảm thấy vỡ mộng, hoặc không đủ.
Trong khi trên thực tế, cô có thể đang bắt đầu sự nghiệp khá ổn, chỉ là đối với cô ấy, mọi thứ đều có cảm giác rất thất vọng mà thôi.

Đây là mấy lời khuyên của tôi cho Emma:


1. Cứ tham vọng điên cuồng đê!!!

Thế giới này đang mọc đầy nấm cơ hội cho những người tham vọng và muốn kiếm tìm thành công. Hướng đi cụ thể có thể chưa thấy ngay đâu, nhưng rồi nó khác hiện ra – cứ Emma bừa nó vào một chỗ nào đấy đi nhá!!

2. Đừng có nghĩ mình đặc biệt làm gì nữa!!!

Thực tế là như này, bạn không đặc biệt đâu 😃 bạn chỉ là một người trẻ không có kinh nghiệm và chưa mang lại cái gì cho ai hết á. Bạn có thể trở nên đặc biệt bằng cách làm việc thật chăm chỉ một thời gian thật dài mà thôi.

3. Bơ sự hào nhoáng của mọi người xung quanh đi!!!

Đồng cỏ của người khác thì luôn xanh hơn, câu này nói mãi rồi.

Nhưng trong cái thế giới mà ai cũng thích tút tát cho mình như này, thì đồng cỏ của người khác công nhận là xanh, non và ngon đê.

Thật ra là mọi người cũng đều đang tự hoài nghi, không quyết đoán, hay vỡ mộng như bạn thôi.
Cứ làm việc của mình, bạn sẽ chả có lý do gì phải ghen tị với người khác.

---
Hy vọng bài viết này có thể chia sẻ với chúng ta phần nào những áp lực thú vị khi chúng ta có một Emma ở trong mình.

Mọi người đọc thêm Our Kids của Putnam để có thêm một góc nhìn nữa về sự khác nhau trong quá trình dịch chuyển xã hội* (social mobility) giữa các thế hệ nhé. 

Có rất nhiều bài học có thể rút ra được từ sự khác nhau về môi trường sống, điều kiện kinh tế và suy nghĩ giữa các thế hệ đó.

*Dịch chuyển xã hội: là một khái niệm xã hội học dùng để chỉ sự chuyển động của những cá nhân, gia đình, nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội. 

Dịch chuyển xã hội liên quan đến sự vận động của con người từ một vị trí xã hội này đến một vị trí xã hội khác trong hệ thống phân tầng xã hội.

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá