IT TAKES A VILLAGE TO RAISE A CHILD
Lâu lâu rồi mình có đọc cuốn sách “It takes a village” của Hillary Clinton, xuất bản năm 1996 khi bà này là Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, viết về ý nghĩa của sự hỗ trợ của cộng đồng trong sự phát triển của một đứa trẻ.
Phần lớn nội dung chia sẻ về sự biến đổi của xã hội Mỹ khi bà ấy là trẻ con (khoảng những năm 1950), khi bà ấy trở thành mẹ (những năm 1980) và sau đó là trở thành FLOTUS (những năm 1990).
Xã hội thay đổi theo hướng phồn vinh hơn, nhưng việc nuôi dưỡng những đứa trẻ con đã bị “nghèo nàn” đi rất nhiều. Bởi vì căn bản mà nói, nếu loài người sinh sản vô tính, kiểu đến một ngày tự tách ra làm đôi, hoặc mọc thêm chồi nào đó và chỉ cần bứng ra cho uống nước và ăn cơm rang mà sống được, thì chúng ta sẽ chẳng có một xã hội phức tạp nhưng cũng đầy thú vị như thế này. Chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc đi tìm bạn đời để sống, để sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng, duy trì những mã gene (siêu việt ^^) của bản thân chúng ta cho thế hệ sau.
Nhưng bởi vì con người sinh sản hữu tính và dị giao, và trong tương lai gần cũng sẽ vẫn phải duy trì hình thức sinh sản này, nên mình nghĩ vẫn cần phải quay về một vấn đề mấu chốt ở đây để cùng giải quyết vấn đề bình đẳng giới.
Trong việc sinh con đẻ cái, về mặt tự nhiên người phụ nữ phải làm hầu hết các công việc trong 9 ~ 10 tháng này. Nhưng chuyện này cũng không có vấn đề gì, như mình có chia sẻ ở một bài viết trước về nỗi đau. Nỗi đau mà người chịu đựng biết được rằng nó hữu hạn về mặt thời gian thì cũng sẽ phần nào vơi bớt đi.
Thế nhưng trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ trong vài năm, vài chục năm cần được phân công lao động như thế nào cho phù hợp?
Câu ngạn ngữ cổ Châu Phi nói rằng “it takes a village to raise a child”, nghĩa là cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ.
Trong cuốn sách về ngôn ngữ và sự tiến hoá, Dunbar cũng có viết rằng đứa trẻ khi sinh ra đã học cách yêu cầu sự giúp đỡ từ cộng đồng khi nó cần thông qua tiếng khóc rất chi là khó chịu của nó ^^
Những đứa trẻ khóc khi cảm thấy đói, khi thấy khó chịu, khi buồn đi ị… tất cả những việc đứa trẻ chưa tự làm được, chúng khóc để được một thành viên nào đó trong cộng đồng giúp đỡ.
Và khi nó thấy hài lòng, nó sẽ cười và ban phát cho những người lớn đó một cảm xúc tốt đẹp nào đó.
Đó là bản năng, nhưng cũng là bài học đầu tiên một con người phải học về việc giao tiếp để tồn tại và sống giữa cộng đồng. Vốn dĩ mấy vạn năm nay, con người thường sống trong theo nhóm, theo bộ lạc, theo gia đình, theo xóm theo làng. Việc nuôi dạy một đứa trẻ vốn dĩ thực sự là việc của cả làng và người phụ nữ từ trước đến nay vẫn làm việc và đóng góp vào kinh tế chung của gia đình và cộng đồng. Việc giao tiếp và quan sát mọi người, già trẻ lớn bé, nhiều công việc và nhiều tính cách trong cộng đồng giao tiếp và hợp tác (đôi khi là mâu thuẫn) với nhau chắc chắn sẽ giúp đứa trẻ học hỏi tốt hơn với sự định hướng.
Gần đây, việc sinh đẻ và rồi nuôi con trở thành nhiệm vụ của gia đình hạt nhân, và phần nhiều là của người phụ nữ trong gia đình hạt nhân đó.Một cách cực đoan, sự chuyên môn hoá và chuyên môn hoá quá đà trong phân công vai trò xã hội như thế này là đi ngược lại sự tiến hoá của loài người. Việc này dẫn đến rất nhiều người phụ nữ trẻ nghi ngờ các giá trị của gia đình và cộng đồng, cảm thấy cô đơn và đuối sức trong quá trình nuôi con.
Và sự thực là điều này đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và Nhật Bản. Và đáng tiếc là Việt Nam cũng đang chuẩn bị gia nhập “câu lạc bộ” này khi Việt Nam đang ngày càng làm tốt hơn trong việc tăng năng suất lao động (có thể sẽ kéo theo sự chuyên môn hoá quá đà).
Thế nhưng, ngay cả trong sách của Hillary hay trong các lý thuyết phát triển xã hội khác, không có ai muốn và cũng chẳng ai (dù là một chính quyền độc tài đến mấy đi nữa) có đủ khả năng đưa con người quay lại một cơ cấu xã hội đã cũ.
Đơn giản vì con người đã tìm cách thoát ra khỏi những cơ cấu xã hội cũ đó là vì những lạc hậu cố hữu trong các mô hình đó khiến cho nó không thể tồn tại được.
Khoảng 20 năm gần đây, ở một số quốc gia bắt đầu phát triển mô hình làng-sinh-thái (ecovillage), có quy mô dân cư khoảng 50 ~ 250 người nhắm đến mục tiêu bền vững về kinh tế, môi trường, văn hoá và xã hội.
(Ít người như vậy sẽ thú vị hơn, vì theo Dunbar, bộ não hiện tại của con người cũng chỉ có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ có ý nghĩa với khoảng 500 người thôi ạ. Dù có sống ở một thị trấn miền núi ở phía Bắc Việt Nam, hay sống ở một siêu đô thị cỡ như Tokyo thì cũng chỉ có thể có 500 mối quan hệ có ý nghĩa thôi ạ. Nhiều hơn là sẽ dễ bị stress đó ạ)
Những ngôi làng này đều là do những “cư dân” tự nguyện cùng tìm đến nhau và xây dựng lối sống cộng đồng, hạn chế việc quá phụ thuộc vào chính phủ hay các doanh nghiệp về mặt kinh tế, nguồn nước, lương thực, nơi ở. Các làng này đang là các nơi lý tưởng tiến hành nhiều thực nghiệm về xã hội và giáo dục thú vị ^^
Tóm lại là chúng ta có thể đang đứng trước một sự thay đổi thời đại lớn ^^ trong đó những cộng đồng truyền thống kết nối thông qua huyết thống, tôn giáo hay chủng tộc đã dần bị phá vỡ và con người cũng nhận ra những hạn chế của nó (như kiểu nhiều thanh niên VN đang nhận ra những hạn chế của việc sống quá gần các bà hàng xóm thạo tin LOL).
Trong khi đó, việc tự chủ về kinh tế, sinh sản và nuôi dưỡng con cái đang trở nên quá sức so với một gia đình hạt nhân. Những cộng đồng với các liên kết bản sắc theo chiều ngang, và sự gia nhập cộng đồng là tự nguyện có thể sẽ là một mô hình lý tưởng trong tương lai.
Việc này không hề đơn giản, không thể chỉ nhờ ý tưởng này mà có thể chúng ta từ bỏ các căn hộ trong thành phố của mình, gọi một vài người bạn, đi đến một khu rừng nào đó làm nhà và trở nên hạnh phúc ngay được.
“Sẽ cần cả một làng” để làm công việc này ^^
Nhân ngày 8/3 và cả thế giới đang trong giai đoạn nhìn lại nhiều thứ về gia đình về cộng đồng (“nhờ“ có Covid-19), mình chỉ muốn nói rằng mình không mong các mẹ các chị phụ nữ sẽ ngày càng giỏi việc nước và đảm việc nhà, hay chỉ đơn thuần kêu gọi đàn ông đi nấu cơm, rửa bát hay thay bỉm cho con là có thể giải quyết được vấn đề bình đẳng giới.
Chúng ta cần cả “làng” để cùng chia sẻ với nhau vấn đề này!
CHÚC MỪNG 8/3 CẢ LÀNG NHA!
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của mình <3