LIỆU SẼ CÓ THẾ HỆ MẤT MÁT Ở VIỆT NAM?

Nhiều bạn trẻ hỏi mình, đến Nhật giờ để làm gì khi Nhật Bản suy thoái như vậy. Mình hào hứng bảo "đến và học cách suy thoái chứ sao" ^^



Nhật Bản bại chiến năm 1945, Việt Nam hoà bình sau đó hơn 30 năm.
Xã hội Nhật Bản sau chiến tranh trải qua các giai đoạn bùng nổ dân số, tăng trưởng kinh tế thần kỳ, vỡ bong bóng tài sản, suy thoái khi dân số già hoá.
Việt Nam sau chiến tranh cũng trải qua giai đoạn bùng nổ dân số, mở cửa và tăng trưởng kinh tế (cao trung bình, không thần kỳ), vài lần bong bóng kinh tế (quy mô nhỏ hơn), hiện đang chậm lại về tốc độ tăng trưởng và đang bước vào giai đoạn già hoá dân số.
Ở Nhật Bản có một thế hệ được gọi là “Thế hệ mất mát” (lost generation).
Khái niệm này lần đầu tiên được sử dụng tại Nhật Bản bởi nhật báo Asahi Shimbun để chỉ nhóm người trưởng thành và bước ra xã hội trong thời kỳ “đóng băng tuyển dụng”, trong khoảng từ năm 1992 tới năm 2002 (tức là họ sinh khoảng khoảng từ 1972 tới 1982 ấy ạ)
Khi họ ở độ tuổi 20, đã hoàn thành các chương trình đào tạo việc làm hoặc giáo dục đại học và sẵn sàng trở thành những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội, nền kinh tế Nhật Bản chịu cú sốc lớn và rơi vào thập kỷ suy thoái sau khi bong bóng kinh tế vỡ đầu những năm 1990.
Đây là thế hệ dân số đầu tiên ở Nhật Bản chứng kiến nền kinh tế suy thoái kể từ sau Chiến tranh.
Trước họ là những thế hệ lớn lên trong nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ ở thập niên 1960, và chứng kiến Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới trong thập niên 1970.
Đến thế hệ mất mát, thời thanh xuân của họ bắt đầu bằng vụ nổ bong bóng trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán kéo theo một loạt đứt gãy về kinh tế xã hội.
Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng phá sản, dừng hoạt động, thu hẹp quy mô hoặc ngừng mở rộng.
Hàng triệu người trong thế hệ này không thể tìm được việc trong khối chính thức và chấp nhận trở thành freeter (những người chỉ làm việc bán thời gian, làm việc tự do mà không có định hướng sự nghiệp lâu dài) hoặc NEETs (Not in Education, Employment or Trainings - những người không tham gia học tập, làm việc và đào tạo nghề) với viễn cảnh tương lai u ám hơn các thế hệ trước đây.
Thời gian đầu, thế hệ này dường như bị “quên lãng”, họ tự bơi tự bươn chải tìm việc, làm việc trái ngành, làm thời vụ.
Nhiều người trong số họ vẫn có thể đủ ăn đủ sống nhưng không thể có định hướng sự nghiệp một cách ổn định như các thế hệ trước.
Nhưng trong những năm gần đây, nhiều vấn đề xã hội bắt đầu xuất hiện và trở nên nổi cộm hơn khi thế hệ này bước vào tuổi trung niên và già đi.
Do thiếu việc làm ổn định, không được hưởng chế độ an sinh xã hội tốt như những người làm việc toàn thời gian dẫn tới việc nhiều người trong thế hệ mất mát không thể tích lũy tài sản, kết hôn, sinh con.
Các vấn đề xã hội như “hikikomori” (chỉ những người xa lánh xã hội, thường ở trong nhà và không thể đi học hay đi làm trong nhiều tháng liên tục trở lên), hay “8050” chỉ những gia đình mà bố mẹ 80 tuổi phải nuôi những đứa con 50 tuổi đều có liên quan tới thế hệ mất mát này.
Liệu sẽ có thế hệ mất mát ở Việt Nam?
Cũng có thể có, có thể không. Nhưng câu trả lời chắc chắn là sẽ có "những người mất mát".
Xét trên diện rộng, xã hội Việt Nam hiện tại có khá nhiều điểm tương đồng với xã hội Nhật Bản 30 năm trước về thành phần dân số.
Cũng là hơn 30 năm lạc quan trong sự tăng trưởng, ngày sau giàu hơn ngày trước, thế hệ sau có cuộc sống tốt hơn thế hệ trước.
Đây là điểm có thể gây ra những cú sốc tâm lý khi một ai đó không được như bố mẹ, anh chị họ nữa.

Mấy hôm nay, mình theo dõi series phóng sự về 35 năm FDI vào Việt Nam trên VnExpress, và thấy mọi thứ hơi bi quan khi các "đại bàng" cất cánh mà "chim sẻ" vẫn chưa biết bay. Khi mình trao đổi với một số người bạn về sự khác biệt trong các yếu tố khác của văn hoá xã hội Việt Nam - Nhật Bản như dưới, mình cũng có tí lạc quan và cho rằng mình đã tự đa sầu quá rồi =))

- DN Nhật có văn hoá tuyển dụng hàng loạt người không có kinh nghiệm để đào tạo từ đầu. DN Việt không có
- DN Nhật thời đó vẫn coi trọng tuyển dụng suốt đời. Ngoại trừ khối SOEs, DN Việt ko có văn hoá này. SMEs tuổi thọ cũng ngắn hơn tuổi thọ trung bình của người lao động
- 30 năm trước, số lao động trong khối chính thức của Nhật cao hơn VN hiện tại rất nhiều. Việc làm việc ổn định trong khối chính thức là một social status lớn trong xã hội Nhật, (có thể) lớn hơn VN
Ngoài ra còn có thể có nhiều cái đôi khi cũng quyết định sự khác biệt của các xã hội, như VN thì nóng ẩm nhiệt đới, Nhật thì ôn đới cận nhiệt đới :))

Nếu mọi người đã đọc về The Great Divergence thì cũng biết việc ăn lúa mì với lúa nước thôi cũng khiến Châu Âu và Châu Á khác nhau nhiều thứ rồi ý :))

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Nỗi đau khổ của Emma

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá