ĐI OKINAWA THÌ NÊN ĐẾN NANJO-SHI

Mình đi Okinawa khá nhiều lần, tính tới lần này chắc cũng khoảng 15-16 lần gì đó. Trong những thành phố ở đảo lớn, mình đã từng ở tại Naha-shi, Okinawa-shi, Onna-son, Motobu, hay Itoman. Nhưng thực ra nơi mình thích nhất ở Okinawa lại là Nanjo-shi. Thành phố Nanjo ở phía Đông Nam của đảo chính, cách sân bay Naha khoảng 30 phút lái ô tô. 

Mỗi lần đi Okinawa, mình hay thuê nhà riêng để ở, thay vì ở khách sạn để có cảm giác mình không phải là du khách và có thể hiểu hơn về cuộc sống ở khu mình ở. Đợt này nhà mình thuê căn nhà 1 phòng bé bé xinh xinh ở trên sườn đồi nhìn ra biển. Căn nhà này của một bác gái hơn gần 70 tuổi. Bác sống 1 mình, nhưng mỗi tháng bác dành ra vài ngày tới một tuần cho thuê lại căn nhà của mình. Bác ấy đã từng có thời gian dài sống ở Châu Phi nên trong nhà cũng có rất nhiều đồ trang trí mang về từ Châu Phi, thực sự rất hòa hợp với kiểu nhà gỗ của Okinawa cũng như khí hậu ở đây. 

Đây là góc hè nhà - nơi bọn mình ngồi ăn, ngồi ngắm biển, nói chuyện phiếm, xem film, làm việc...

Trước cửa nhà có một cây phượng, bác chủ nhà nói mùa hè tới nó sẽ đỏ rực cả cây, thật là muốn được tới đây vào dịp đó quá mà ^^

Căn nhà thực sự xinh xắn và là điểm bọn mình thấy thích nhất trong suốt kỳ nghỉ này ở Okinawa. Xung quanh nhà không có quá nhiều cửa hàng hay siêu thị nên bọn mình đi mua đồ 2 lần để nấu ăn cho suốt cả 5 ngày nghỉ ở đây.

Cốc trà hoa đậu biếc bác chủ nhà hái từ sân và pha cho tụi mình khi check-in
Cốc trà hoa đậu biếc bác chủ nhà hái từ sân và pha cho tụi mình khi mới check-in

Từ căn nhà gỗ này, bọn mình có thể đi bộ ra bờ biển, đi bộ ra những quán ăn và cafe nằm khuất trong sườn đồi hoặc nép mình bên bãi đá ở bờ biển. Bọn mình có thể đi bộ trên những con đường làng, men theo các cánh đồng trồng mía hoặc các loại nông sản phương nam, cảm nhận gió mát, hơi ẩm, và vị mặn từ biển - nét đặc trưng của làng miền biển.

View từ quán đồ chay Sachibaru ở gần căn nhà gỗ bọn mình ở.

Từ nhà gỗ bọn mình ở, chỉ cần đi vài bước chân là tới quán đồ chay Sachibaru. Quán này xây ở lưng chừng đồi, đi từ nhà gỗ sang chỉ vài bước chân nhưng nếu leo từ bờ biển lên thì cũng khá mệt. Quán ăn này do một gia đình nghệ sĩ Okinawa làm chủ. Quán này thực ra nằm trong một tổ hợp 7-8 điểm nghỉ dưỡng và ăn uống, cùng tên là Sachibaru. Gần đó có Villa Sachibaru với thiết kế và view cực đỉnh. Nếu có lần sau (và có tiền) nhất định mình cũng muốn nghỉ lại villa này ^^

Bọn mình cũng có thể đi bộ tới đảo Oshima nằm cách đó một cây cầu, xem mọi người câu cá và sống cuộc sống bình yên, không bon chen.

Ảnh một hòn đá trên bờ biển ở đảo Oshima. Đứng đây để nghe gió biển tạt vào mặt, chứng kiến sự mạnh mẽ của nước, của những thứ tưởng chừng rất mỏng manh nhẹ nhàng, nhưng với sự kiên trì có thể bào mòn rất nhiều thứ khác ^^

Đoạn cửa biển gần cầu vào đảo Oshima. Buổi sáng Chủ Nhật mọi người ra đây câu cá giải trí, các bạn nhỏ thì bơi lội bì bõm ở phía bên kia cầu. Nhiều bạn nam còn nhảy từ trên cầu xuống nước, chơi các trò chơi giống bọn mình thời thơ ấu, mọi thứ thật sự rất bình yên. 


Quán cafe Hamabenochaya, cũng cùng chủ với quán đồ chay Sachibaru mình kể ở trên. Mình ghé vào đây trên đường đi dạo từ đảo Oshima về. Đồ ăn và đồ uống ngon và view biển thì quá tuyệt vời. Đây là lần thứ 2 mình ghé lại quán này, mỗi lần ngước mắt lên nhìn Thái Bình Dương ở trước mắt đều thấy choáng ngợp như lần đầu.


Thành phố Nanjo thực chất là một nơi linh thiêng của quần đảo Okinawa. Nhiều truyền thuyết của người Lưu Cầu cho rằng các thần linh đã từ thiên đường đáp xuống hòn đảo Kudaka-jima ở phía Đông của Nanjo. Sau đó các thần linh xây dựng đền đài, tạo ra con người và bắt đầu sinh sống ở Nanjo. Từ chỗ bọn mình ở có thể lái xe tầm 7-10 phút để tới Sefa-Utaki, một nơi tôn nghiêm chuyên để thực hiện các nghi lễ thờ phụng thần linh của người Lưu Cầu. Sefa-Utaki nằm trên sườn núi, là một là nơi các vị vua hoặc lãnh đạo tôn giáo của người Lưu Cầu xưa làm lễ hướng về đảo Kudaka-jima từ Sefa-Utaki. Vì là một nơi linh thiêng nên mình cũng không chụp lại ảnh của Sefa-Utaki. Hãy đến tận nơi để cảm nhận năng lượng của nơi đây bạn nhé. Bọn mình cũng đã tới Sefa-Utaki trong vài lần trước nên lần này bọn mình chỉ tạt qua công viên Chinen gần đó để ngắm cảnh.


Công viên Chinen, gần Sefa-Utaki. Từ mỏm này, có thể view biển 360 độ, thấy trời xanh, biển xanh, nắng vàng, thực sự rất "chữa lành" đó ạ. Những ngày đẹp trời, sẽ có nhiều người đến địa điểm này để nhảy dù. Ngồi xem mọi người bay và hạ cánh thực sự rất thú vị.

Chuyến đi lần này của mình còn đặc biệt ở chỗ, đây là lần đầu tiên bọn mình được đi tới hòn đảo linh thiêng Kudaku-jima, nơi mà mình có nói qua ở bên trên, là nơi các vị thần hạ giới và tạo ra người Okinawa. Nhiều lần trước bọn mình đến Nanjo và đều muốn đi thăm hòn đảo này. Nhưng chưa lần nào thực hiện được, 1 lần bởi corona do chính quyền muốn bảo vệ sức khỏe của những người dân trên đảo (vốn đa số là người lớn tuổi) nên không cho khách du lịch tới đảo, 1 lần là do bão vào nên các tàu thuyền đều phải neo đậu và không được phép rời cảng, còn 1 lần là do sự cố đá nhẹ do ảnh hưởng từ một ngọn núi lửa phun trào ở Thái Bình Dương. Và lần này thì thực sự khá may mắn (với nhà mình) khi được lên đảo mà không vấn đề gì. 

Một điểm linh thiêng trên đảo. Có thể ghé qua chụp ảnh ở một số điểm, nhưng có nhiều điểm linh thiêng trên đảo là off-limits. Người dân ở Kudakajima thực sự rất quan tâm tới việc bảo tồn lối sống và những giá trị thiêng liêng của riêng họ.


Kudakajima là một hòn đảo nhỏ, có thể đi bộ 2 tiếng là hết cả đảo rồi. Ảnh này mình chụp cùng một cây đa cổ trên đảo. Một trong các điểm check-in được phép cho khách du lịch.


Kudakajima còn nổi tiếng với các món ăn từ loại rắn biển Irabu. Đây vốn dĩ là món ăn tiến vua nổi tiếng của riêng hòn đảo này, nơi có phương pháp chế biến truyền thống truyền đời qua rất nhiều năm.

Chuyến đi Nanjo lần này của nhà mình thật sự vui và có ý nghĩa. Nanjo không có quá nhiều thứ để chơi, nhưng lại có rất nhiều thứ để quan sát, để tò mò và để cảm nhận. Thành phố này không ồn ào, không sặc sỡ màu mè để show-off về Okinawa như Naha, nhưng thực ra đối với mình lại là nơi "Okinawa" nhất. 

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Nỗi đau khổ của Emma

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá