Thời gian và lịch sử của việc người-Nhật-đúng-giờ

Có một lần tôi được mời đến thuyết trình tại một buổi hội thảo nhỏ dành cho sinh viên một trường đại học Việt Nam hiện đang học trao đổi ở một trường đại học lớn của Nhật Bản. Chị điều phối viên người Nhật thông báo cho tôi biết sẽ có khoảng 15 sinh viên tham gia buổi hội thảo. Tôi chuẩn bị tài liệu thuyết trình có mặt ở phòng hội thảo, chuẩn bị sẵn sàng và ngồi chờ.

Đến giờ bắt đầu buổi hội thảo, chỉ có khoảng 1 nửa số sinh viên có mặt. Tôi vẫn bắt đầu bài thuyết trình như bình thường. Và cứ khoảng vài phút trôi qua, lại có thêm một vài bạn đến. Cho đến khi tôi hoàn thành một nửa bài thuyết trình, thì các bạn sinh viên mới có mặt đủ.

Ảnh minh hoạ tôi lấy từ một lớp học khác ^^ Các bạn trong lớp này đều đến rất đúng giờ


Khi kết thúc buổi hội thảo, chị điều phối viên đến tìm gặp tôi và có vẻ rất lo lắng, chị ấy liên tục cúi đầu xin lỗi theo phong cách của người Nhật. Chị ấy cho rằng đó là do lỗi của chị ấy đã không sát sao, đã không liên tục nhắn tin hoặc gọi điện để nhắc nhở các bạn sinh viên, hoặc đã xếp lịch vào buổi sáng sớm, khiến cho nhiều sinh viên không tiện tham gia. Sau khi giành lỗi về mình và đề xuất các biện pháp cải thiện cho các buổi hội thảo sau này, theo đúng kiểu của các bạn Nhật, chị ấy quay sang tôi và hỏi “Tại sao người Việt Nam lại lỏng lẻo về vấn đề thời gian như vậy”?

Tôi vốn dĩ không cho rằng “quốc dân tính” (kokuminsei - đặc trưng riêng của người dân một nước) là câu trả lời tốt cho các vấn đề về sự khác biệt văn hoá. Vì thế mà tôi hỏi ngược lại, “Từ khi nào và bằng cách nào người Nhật trở nên đúng giờ như vậy?”

Người Nhật nổi tiếng thế giới về sự đúng giờ. Họ đúng giờ như thế nào thì không cần phải nói nhiều, đã có rất nhiều bài viết về sự chỉn chu và làm việc có kế hoạch của người Nhật rồi, có lẽ tôi không cần phải bàn thêm nữa.

Có một điều thú vị là, người Nhật trước thế kỷ 19 cũng khá lỏng lẻo về mặt thời gian, và phải đến tận thế kỷ 20 họ mới chuyển mình trỗi dậy trở thành một dân tộc đúng giờ, không chỉ trong công việc mà còn ngay cả trong các mối quan hệ xã hội và gia đình. Nghĩa là, thực ra thì người Nhật cũng mới trở nên đúng giờ khoảng 100 năm trở lại đây thôi ^^
Có một nhóm nghiên cứu trong trường Đại học Tokyo do giáo sư Takehiko Hashimoto đứng đầu nghiên cứu về lịch sử của quá trình nhận thức về thời gian ở Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu này cho rằng có 3 yếu tố quan trọng trong việc trở nên đúng giờ của người Nhật: các công xưởng, trường học, và tàu điện. Sự xuất hiện của các công xưởng và trường học thì có thể hiểu được, và cũng rất liên quan đến Việt Nam. 

Còn tàu điện là một chuyện thú vị.

Khi mới có tàu điện ở Nhật Bản, tàu điện cũng thường xuyên đến muộn và phải điều chỉnh giờ chạy. Nhưng khi có các chính sách khuyến khích phương tiện giao thông công cộng, cộng với các khoản lợi nhuận thu được nếu phát triển một mạng lưới đồng bộ, các công ty phải tăng chuyến, và tối ưu hoá hệ thống. Chính các công ty tàu điện đã góp phần rèn luyện cho người Nhật tính đúng giờ, và rồi thu lợi nhuận từ sự đúng giờ này của họ.

Ở Việt Nam, hay Hà Nội lại là một câu chuyện khác. Phương tiện di chuyển chủ yếu của mọi người là xe máy, hoặc ô tô, nói cách khác là phương tiện cá nhân. Người ta được tự do hơn trong việc lựa chọn thời gian ra khỏi nhà, con đường đi, và tốc độ đi. Hay có thể nói, người Hà Nội có nhiều tự do hơn trong lên kế hoạch và đi đến các cuộc hẹn của mình. Vì thế đôi lúc tôi vẫn nói đùa với những người bạn của mình, ở Hà Nội chúng tôi tự do và thoải mái hơn, vì chúng tôi luôn có được lý do tốt (giao thông) để giải thích cho việc mình đến muộn, còn ở Nhật thì rất khó để bịa ra một lý do rằng tàu đến muộn. 

Nhưng như vậy cũng có thể nói rằng, để đúng giờ được ở Hà Nội, người ta cần nỗ lực hơn một chút so với ở Tokyo. Não bộ phải xử lý nhiều việc hơn, và rủi ro trong việc đi từ nhà đến trường là cao hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào thời tiết, vào giờ tan tầm, vào con đường bạn đi, vào tâm trạng của người dân thành phố và các bác trông xe trong những ngày đó nữa. Tuy vậy, kỹ năng quản lý thời gian vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi đến mọi người ở Hà Nội.

Ai ở Nhật lâu cũng biết, cứ từ tháng 10 cho tới tháng 4 hàng năm, các hiệu sách, cửa hàng tạp hoá bày bán rất nhiều các loại sổ tay, sổ lịch, nhật ký, sổ công tác đủ kích cỡ, màu sắc, cách bài trí, cách thiết kế ngày, tháng, năm, với các loại nội dung, mục đích khác nhau. Có loại sổ tay dành riêng cho sinh viên đi xin việc, có loại dành cho bà mẹ mang thai, có loại dành cho mẹ đang nuôi con bú, có loại dành cho doanh nhân, có loại dành cho thư ký của các doanh nhân. Và ngày 1/12 hàng năm cũng được một hãng văn phòng phẩm quảng bá là Ngày sổ tay, để nhắc nhở mọi người đã đến lúc cần đi mua một quyển sổ tay mới để ghi chép lịch cho năm sau. 

Ngoài ra, kèm theo đó còn có rất nhiều loại sách, các kênh Youtube, các trang Instagram nói về cách viết sổ tay, cách trang trí sao cho khoa học và đẹp mắt. Từ việc dùng màu sắc để mã hoá các công việc hàng ngày ra sao, phân trang như thế nào, thời gian bắt đầu ngày ra sao, sắp xếp các hoạt động trong ngày theo chiều ngang hay dọc, hay cách kẻ bảng thống kê để lưu lại mỗi ngày uống được mấy lít nước, đọc được mấy trang sách, đi ngủ mấy giờ, dạy mấy giờ...

Trong các trung tâm thương mại lớn, thường có hẳn một tầng dành cho văn phòng phẩm. Và vào những ngày cuối năm, nơi này tấp nập như có lễ hội vậy. Hàng năm đều có những cuộc bình chọn về loại sổ tay giúp tăng hiệu quả công việc nhất cho người dùng.

Việc viết sổ tay, lên kế hoạch cho hàng ngày được nâng lên thành lifestyle đẳng cấp, giúp người viết nhận ra, một ngày dù xấu hay đẹp đều có 24h, và làm sao để có thể làm được hết những việc mình muốn làm trong một ngày là một điều cực kỳ thú vị, và thoả mãn. Điều này cũng sẽ khiến họ nhận ra, khi điền lịch làm việc vào một ngày trong sổ, và thấy nó trùng hoặc không đủ thời gian để di chuyển đến cuộc hẹn tiếp theo, họ có thể liên lạc và xin dời lịch lại vài phút để không khiến đối tác phải chờ. 

Cuốn sổ tay (và chiếc bút) ưa thích của mình



Sổ tay cũng là một database nho nhỏ về các thói quen ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc da, đi nhậu, uống cà phê của mỗi người. Để khi có những vấn đề gì về sức khoẻ, người ta có thể tìm cách loại bỏ những thói quen xấu của mình và thêm vào những thói quen tốt hơn. Thống kê hành vi là phần ban đầu cơ bản khi bạn muốn hạn chế thói quen xấu và tạo dựng thói quen tốt, cho chính mình hoặc cho một tổ chức.

Chưa có kỹ thuật vizualize thứ tự các cuộc hẹn, hay những sự kiện trong ngày là một trong số nhiều nguyên nhân khiến chúng ta khó đúng giờ trong nhiều cuộc hẹn, cũng như không hình thành "thói quen" đúng giờ, hay dự đoán được khả năng đến muộn cho các cuộc hẹn của mình.
Thói quen đúng giờ của từng cá nhân, của một tổ chức hay cả xã hội sẽ giúp dự đoán được chi phí tốt hơn, lên kế hoạch làm việc chi tiết hơn, hạn chế những thay đổi đột xuất và tốn kém trong quá trình thực hiện. 

Theo một số nhà nghiên cứu hành vi, trong số những người hay đi muộn nói chung, số người muốn đi muộn hay cố tình đi muộn lại không phải là đa số. Ngược lại, những người hay đi muộn thường là những người tự tin rằng họ có thể đến đúng giờ hoặc thậm chí là quá sớm. Họ thường là người tự tin mình có thể đến đúng giờ, hoặc nghĩ là đến muộn giờ cũng không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Mình có trí nhớ không tốt lắm nên mình thường thích vizualize (trực quan hoá) những thứ trừu tượng ví dụ như những con số, thời gian, hay các khái niệm khác. Hồi nhỏ khi học cộng trừ nhân chia các thứ, mình hay tưởng tượng về các con số như những bậc cầu thang đi lên, với những số “thú vị" như 10, 20, 100 là các chiếu nghỉ. Sau này khi phải học đếm bằng tiếng khác, mình thường đặt dán nhãn vào các bậc là xong. Hay hồi còn phải học lim, mình hay nghĩ đến một đàn kiến 

Có lần mình đi cafe cùng một anh bạn người Nhật. Anh này luôn đeo một chiếc Suunto điện tử, hiển thị giờ dạng số điện tử thay vì kiểu kim analog. Mình hỏi khi phải nhìn cái đồng hồ như vậy, anh ấy sẽ tưởng tượng về thời gian như thế nào. 

Anh bạn và chiếc Suunto điện tử rất khó xem giờ của anh ta

Việc trực quan hoá thời gian trên một cái mặt đồng hồ theo mình là cực kỳ thú vị, nó ảnh hưởng nhiều đến nhận thức về thời gian của con người. Mình nhớ có lần đọc được nhiều tranh luận thú vị về vấn đề này trên Quora. Ý kiến cá nhân của mình, thấy rằng việc đeo một chiếc đồng hồ analog, hiển thị một vòng 12 tiếng đồng hồ giúp mình dễ hình dung các cuộc hẹn trong một ngày hơn rất nhiều, thay vì việc phải dịch số 15:47 ra thời gian, và tính xem bao giờ thì mình phải đi để đến kịp cuộc hẹn lúc 6h chiều.

Tóm lại là đây là một vấn đề rất thú vị. Mình phải viết dài là vì lúc nãy mình thích viết thôi :D đến đoạn này mình lại chán rồi. Các bạn không cần đọc hết cũng được nhá :))

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Nỗi đau khổ của Emma

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá