Sự hữu hạn của nỗi đau

Trong công việc của mình, trung bình một tuần mình nói chuyện với 2-3 thanh niên đang vật lộn với cuộc đời ^^

Đa số đau khổ với công việc, sự nghiệp, sự thành công, một phần không nhỏ nữa là về tình yêu, gia đình, các mối quan hệ, sự chia sẻ hay sự-không-chia sẻ một cái gì đó với người khác.

Nói chung là nhiều loại đau khổ ^^


Có một sự thực là khi đau khổ, người ta thường có nhiều loại nhận thức lệch lạc. Bạn nào tham gia seminar trò chuyện về trầm cảm của mình hồi tháng trước chắc đều biết mình thích nói về 10 nhóm suy nghĩ lệch lạc này như thế nào ^^.

Trong đó nhận thức lệch lạc về không gian và thời gian là thứ ngược lại lại khiến người ta càng trở nên đau khổ hơn nữa.

Mối quan hệ giữa cảm xúc con người, đặc biệt là nỗi đau, và nhận thức của con người về thời gian không phải là một chủ đề quá xa lạ trong các nghiên cứu tâm lý. Có rất nhiều người nghiên cứu về việc nỗi đau “phóng đại” nhận thức về thời gian ở con người (như Rey, A.E., Michael, G.A., Dondas, C. et al., 2017).

Thường thì khi đau khổ, người ta sẽ có cảm giác thời gian đang đứng lại và không gian xung quanh họ ngập tràn nỗi đau. Nỗi đau dường như trở nên vô tận về cả mặt không gian và thời gian. Những suy nghĩ mang tính auto-pilot của những người đang có một nỗi đau nào đó rất có thể sẽ là “mình sẽ chết dí với công việc này suốt đời hay sao?” “mình sẽ phải chịu đựng con người này suốt cuộc đời hay sao?”

Và nếu có ai đó an ủi một người đang đau khổ bằng cách nói rằng “mọi chuyện rồi sẽ qua thôi” hay “rồi sẽ ổn thôi, cố lên”, “rồi sẽ quen thôi”, rất có thể những người đang đau khổ sẽ có một cơ chế suy nghĩ (cũng lệch lạc nhưng lại khá logic đối với những nỗi đau) để vặc lại rằng “bạn thì hiểu cái dek gì về nỗi đau của tôi?” hoặc “bạn có phải là tôi đâu mà biết nỗi đau này lớn đến thế nào?”

Tệ hơn, họ có thể rơi vào ma trận của những câu hỏi mang tính triết học kiểu “quen với nỗi đau rồi sẽ thế nào?” “cuộc sống này chỉ để quen với những nỗi đau sao?” và cực đoan hơn “thế thì sống làm gì?”….Và sau đó, rất đau đớn là trong một vài trường hợp có thể không có sau đó nữa.

Ở một mặt khác, thời gian cũng có thể có tác động ngược lại với nỗi đau, như việc thông tin về thời gian có thể có tác dụng làm giảm nhận thức về nỗi đau (Coldwell, S. E. et al. 2003). Cơ chế này giải thích cho việc nếu plank và có đồng hồ/huấn luyện viên đếm giờ bên cạnh, chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều ^^

Nói một cách khác, chúng ta hoàn toàn có thể định ra một deadline, một khung thời gian, một kế hoạch nào đó cho những nỗi đau của mình để đưa những nỗi đau của mình vào khuôn khổ, không thả rông và để nó biến thành một con quỷ xấu xỉ thích ngoi lên lúc nào thì ngoi nữa ^^ và khi đó, nỗi đau sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn.

Khi chúng ta biết nỗi đau của chính mình, như bất kỳ loại cảm xúc nào khác, đều “nên” có giới hạn và thực tế là có giới hạn, chúng ta sẽ có hy vọng hơn, sẽ bớt đi một chút nào đó cảm giác lội giữa một cái đầm lầy bẩn thỉu ^^

Có thể thấy các nhà văn, nhạc sỹ, nghệ sỹ hay đưa sự vận động của thời gian vào trong các tác phẩm để giúp con người “đóng khung” được nỗi đau như thế nào. Mùa xuân qua rồi mùa xuân sẽ tới, rồi hoa sẽ nở, trăng khuyết trăng lại tròn là những hình tượng khá điển hình giúp những người đau khổ có thể một chút nào đó đưa nhận thức thời gian của mình hoà nhịp với sự vận động của vũ trụ.

Giống như cách bài hát “花が咲く (“Và Hoa Sẽ Nở”) của đài NHK sau trận động đất lịch sử năm 2011, hay những câu tấm bảng ghi ”ngày mai mặt trời vẫn mọc” được đặt ở ga tàu và sân bay Haneda khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng mùa xuân năm ngoái để giúp người dân Nhật Bản có thêm hy vọng như thế nào.

Đây cũng là lý do mà việc giam con người trong ngục tối, nơi mà người ta mất hoàn toàn các cảm giác về không gian và thời gian, là một trong những cách hành hạ dã man nhất. Hầu như một con người bình thường sẽ không thể chịu đựng được tình trạng này quá lâu (Heron, W., 1957)

Bài này cũng khá dài mà mình cũng chưa biết mình muốn nói gì. Tóm lại một thứ nho nhỏ ở đây là, giúp những người đang đau khổ nhận ra sự hữu hạn của những nỗi đau là một trong những bước đầu tiên, nhưng cũng là khó nhất để giúp họ đối phó tốt hơn với nỗi đau.

P/S: Mùa xuân đang tới rồi đó các bạn ^^

——

Coldwell, S. E. et al. Temporal information reduces children’s pain reports during a multiple-trial cold pressor procedure. Behav. Ther. 33, 45–63 (2003)
Heron, W. (1957). The pathology of boredom. Scientific American, 196, 52–56.
Rey, A.E., Michael, G.A., Dondas, C. et al. Pain dilates time perception. Sci Rep 7, 15682 (2017).

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Nỗi đau khổ của Emma

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá