Áp lực đồng đẳng: Làm sao để vui với cuộc sống của chính mình?


“Áp lực đồng đẳng” (peer pressure, hay còn gọi là áp lực đồng trang lứa) có thể hiểu một cách chung chung là tác động một cách trực tiếp hay gián tiếp đến từ những người giống mình, những thành viên của các nhóm xã hội có cùng mối quan tâm, kinh nghiệm hay địa vị xã hội. Chính vì thế mà có lẽ mình thích cụm từ đồng đẳng hơn là đồng trang lứa. Nó cho thấy áp lực lớn đến từ một nhóm rộng hơn nhiều ngoài nhóm có cùng lứa tuổi với chúng ta. Trong bài viết này mình cũng sử dụng cách gọi thống nhất là áp lực đồng đẳng nhé!

Nhu cầu được đánh giá trong nhóm, trong cộng đồng có lẽ không chỉ là đặc trưng riêng của loài người. Các loài động vật và kể cả thực vật khác cũng luôn cạnh tranh nhau để trở nên nổi bật hơn, quyến rũ hơn để hấp dẫn “bạn tình” hay những đối tượng “thụ phấn hộ” với mục đích cao nhất là duy trì giống nòi. Điều đó chắc được viết ở đâu đó trong bộ gen của các sinh vật trên Trái Đất như chúng ta và các nhà khoa học đã khám phá ra điều này cách đây vài trăm năm rồi.

Xã hội loài người hiện đại với những phương pháp tránh thai tốt hơn khiến cho việc có con trở thành lựa chọn có ý thức của từng cá nhân chứ không còn là vấn đề bản năng nữa. Nhưng chính vì vậy mà xã hội hiện đại cũng có nhiều yêu cầu hơn đối với chúng ta. Đó không phải chỉ là việc săn được một vài con thỏ, kiếm được một vài bạn tình, có con cái để duy trì nòi giống nữa. Chúng ta phải thường xuyên cạnh tranh với nhau, để vào trường tốt, để có chứng chỉ nọ kia, để vào công ty này nọ, để có được người bạn gái/bạn trai tốt hơn người khác. Chúng ta còn cần có một bạn tình đủ đẹp, đủ giàu, đủ thành công, đủ bản lĩnh, để rồi sau đó có con cái mạnh khỏe, xinh đẹp, rồi sau đó nữa là phải có điều kiện để giúp chúng trở nên mạnh khoẻ hơn nữa, xinh đẹp hơn nữa, thông minh giỏi giang hơn nữa. Và có thể là sau đó, tới đời cháu đời chắt cũng như vậy. Một cuộc tranh đua không có giới hạn, không có lúc nghỉ ngơi, đúng không nào?


Đó chính là lý do khiến cho áp lực đồng đẳng trở nên phức tạp hơn, căng thẳng hơn ngày trước rất nhiều. Chắc nhiều người trong số chúng ta đều cảm thấy đồng cảm với câu chuyện của Emma đúng không nào?


“Bản năng muốn trở nên nổi bật” từ thời tiền sử vẫn luôn tồn tại trong con người chúng ta, có lẽ đã được “thiết kế” nằm ở đâu đó trong chúng ta từ cả chục ngàn năm trước rồi. Trong khi đó, những yêu cầu về xã hội phức tạp như bằng cấp, chứng chỉ, như địa vị tài chính, gu thẩm mỹ, thời trang lại là sản phẩm của một thời đại rất mới, có lẽ cũng chỉ vài thập kỷ trở lại đây mà thôi. Việc cân bằng bản năng này trong bối cảnh xã hội mới có lẽ đang trở nên khó khăn hơn và là một “kỹ năng” hoàn toàn mới mà chúng ta cần phải học hỏi thêm.


Trong bài viết này mình phải nói về những câu chuyện từ thời xửa xưa như vậy để thấy rằng, đã đến lúc chúng ta cần quay lại “nghi ngờ” chính những cảm xúc mang tính bản năng của chính mình, đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó và có những cách suy nghĩ, hành động vượt ra khỏi giới hạn mà nó đề ra.


Vậy chúng ta cần bắt đầu từ đâu?


Cảm xúc thường có khi chịu áp lực đồng đẳng?


Chắc chúng ta sẽ thử nên bắt đầu từ manh mối đầu tiên mà chúng ta nhận thấy: cảm xúc của chính mình. Hãy thử nghĩ lại khi nhìn thấy ai đó thành công, khi đọc trên mạng xã hội thấy bạn bè đi ăn đi du lịch sang chảnh, bạn cảm thấy gì? 


- Khi đọc báo thấy có 30 thanh niên dưới 30 tuổi đã có 30 tỷ trong tài khoản, bạn cảm thấy gì? 

- Khi lên văn phòng, thấy người bạn vào công ty cùng đợt với mình đang cười nói vui vẻ với sếp, người mà vẫn luôn khó tính với bạn, bạn cảm thấy gì?

- Khi nghe tin đứa bạn thân đã có người yêu và tụi nó vẫn thường đi ăn, đi du lịch vui vẻ với nhau, bạn (khi đó vẫn FA) cảm thấy thế nào?


Bắt đầu từ cảm xúc của mình là một cách lần theo manh mối rất tốt, nhưng cũng không hề dễ dàng. Hãy thử ngồi nhìn lại cảm xúc của mình, cố gắng gọi tên chúng ra hoặc nếu bạn không chắc tên của chúng là gì, hãy miêu tả chúng một cách chính xác nhất. Đây là lúc chúng ta cần trung thực nhất với bản thân mình, với những cảm xúc của mình. 


Khi phải chịu áp lực đồng đẳng, có thể chúng ta sẽ cảm thấy lo âu, hoặc dằn vặt bản thân vì mình chưa đủ cố gắng, nhưng cũng có thể là sự tức giận khi cho rằng mình mới là người xứng đáng có được những thành công đó, hay một chút ghen tị, đố kỵ với người khác.


Dù những cảm xúc này "xấu xí" đến thế nào đi nữa, hãy cứ gọi tên chúng ra và ghi nhận chúng một cách chính xác nhất có thể. Đừng đánh giá, đừng trách móc bản thân vì tại sao chúng ta lại có thể có suy nghĩ “xấu xí” đó.  


Như đã giải thích trong một bài viết khác, những cảm xúc này được sinh ra một cách tự nhiên, và có phần khá tự động trong não bộ chúng ta từ những suy nghĩ và phân tích của não bộ chúng ta. Cảm xúc là những tín hiệu được gửi đến cơ thể, giúp chúng ta có thể có những hành động tiếp theo.


Đúng vậy, quy trình xử lý thông tin của con người chúng ta luôn trải qua các bước này:

  1. Các giác quan tiếp nhận thông tin về thế giới bên ngoài

  2. Não bộ sinh ra các suy nghĩ tức là phân tích thông tin, lý giải thông tin đó

  3. Từ những lý giải ở trên, não bộ tạo ra cảm xúc, gửi tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể

  4. Khi nhận được tín hiệu này, các cơ quan sẽ có hành động tương ứng với cảm xúc đó


Tại sao chúng ta phải dài dòng tìm hiểu về quy trình này như vậy? Vì cần phải hiểu được mấu chốt vấn đề, chúng ta mới có thể cải thiện được tâm trạng của mình và từ đó chúng ta mới có được những kế hoạch, những hành động như mong muốn.


Đa số chúng ta thường vội vã bước vào thực hiện “hành động” ngay trong khi chưa nắm rõ cách chúng ta đã phân tích và lý giải các thông tin như thế nào, và điều đó thường dẫn tới những lời nói, hành vi đáng tiếc, hoặc cố gắng làm nhưng không thấy hứng thú, không thấy thực sự mình đạt được sự thỏa mãn cần có.

 

Làm gì khi có áp lực đồng đẳng?

1. Dừng lại và tìm hiểu cảm xúc của mình

Như đã nói ở trên, cảm xúc là manh mối tốt để chúng ta biết cần bắt đầu giải quyết từ đâu. Đây là bước cơ bản nhưng lại không hề dễ dàng. Ở bước này, chúng ta phải dừng lại và cảm nhận xem mình đang có cảm xúc gì. Nếu bạn biết nó có tên gọi, hãy thử gọi tên chính xác của nó. Nếu bạn không chắc, cứ tìm cách miêu tả lại cảm xúc đó một cách chân thực nhất.  Nếu là ghen tị, hãy tự nhủ mình đang ghen tị. Nếu là tức giận, ghi nhận với bản thân rằng mình đang tức giận. Nếu là cảm xúc tủi thân, ghi nhận rằng mình có suy nghĩ dằn vặt bản thân.


Điều quan trọng là chúng ta cần thành thật với cảm xúc của mình và không đánh giá, chỉ ghi nhận mọi làn sóng cảm xúc đến và đi một cách khách quan. Đánh giá là việc không cần thiết ở thời điểm hiện tại. Và cũng đừng nên phủ nhận cảm xúc của mình. Nếu bạn đang cảm thấy ghen tị, đừng cố gắng phủ nhận sự ghen tị đó chỉ vì bạn cho rằng bạn đáng ra phải rộng lượng. 


- “Từ trước đến giờ chúng ta vốn là những người tốt, biết mình biết ta. Tại sao chúng ta lại trở nên ghen tị như vậy?”

- “Nếu mình cứ xấu tính như vậy, mình sẽ càng chẳng đi đến đâu cả?”

- “Thật xấu hổ nếu như ai đó biết được chúng ta là người ghen ghét người khác…”


Làm ơn, hãy dừng ngay cái chuỗi suy nghĩ đó lại. Ghen tị, tức giận hay các cảm xúc tiêu cực khác sẽ không biến mất đi. Chúng không thể biến mất đi ;) Não bộ của chúng ta được lập trình để sinh ra những cảm xúc ấy cơ mà ^^ Đừng cố gắng undo một thứ đã xảy ra rồi như vậy nhé! Đó là một việc chúng-ta-không-thể-làm-được <3


Nếu cố gắng phủ nhận chúng hoặc đánh giá chúng, bạn chẳng trở nên xấu đi hay tốt đẹp lên. Mà thực ra, bạn chỉ làm tăng gấp đôi nỗi đau khổ của mình lên mà thôi. Đau khổ khi phải nhìn thấy thành công của người khác, và đau khổ vì mình không thể là một kẻ loser tốt đẹp hơn. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với nỗi đau của chúng ta cả.


Bước ghi nhận cảm xúc này là bước đầu tiên, và cũng là bước khó khăn, căn bản nhất trong cả quá trình trưởng thành của chúng ta sau này. Khi chúng ta biết cảm xúc của mình là gì, và suy nghĩ ẩn đằng sau cảm xúc đó là gì, chúng ta có thể dễ dàng chuyển qua những bước tiếp theo.

2. Tiếp xúc với nhiều kiểu người hơn

Áp lực đồng đẳng thường xảy ra khi chúng ta so sánh bản thân với những người “đồng đẳng” khác, những người đồng hương, cùng trường, cùng trình độ học vấn, cùng độ tuổi, cùng trải nghiệm để biết được yêu cầu chung dành cho người thuộc nhóm của mình. Cũng chính vì thế áp lực đồng đẳng sẽ xảy ra nhiều hơn với mức độ cao hơn khi xung quanh chúng ta là những kẻ “đồng đẳng”, những người na ná, hơn chúng ta một chút này và kém chúng ta một chút nọ, những người chúng ta thường xuyên bị so sánh với. 


Chính vì thế mà trong chính những lúc đang có rất nhiều áp lực đến từ nhóm “đồng đẳng” với bạn, bạn nên tìm kiếm và giao tiếp nhiều hơn với những người đến từ nhóm khác, đến từ một “đẳng” khác, đến từ nền văn hoá khác, background khác, công việc khác, sở thích khác. Việc này sẽ cho chúng ta 2 lợi ích chính như sau:


Một là, khi chúng ta mở rộng mạng lưới của mình, tiếp xúc với những người học khác chuyên ngành với mình, những người lớn tuổi hơn mình, những người nhỏ tuổi hơn mình, những người có nền tảng văn hoá khác mình, những người có quá trình học tập và lớn lên khác mình, chúng ta có thể có cái nhìn rộng hơn về việc phát triển sự nghiệp và bản thân, có thể sẽ có thêm nhiều bài học thú vị cho bản thân mình.


Gần đây mình thấy có nhiều người hay nói; “gió tầng nào gặp mây tầng đó”. Đáng lưu ý ở đây có lẽ là chúng ta phải thực sự hiểu được định nghĩa của mình về “tầng lớp”. Có nên định nghĩa nó theo “mức thu nhập”, theo “bằng cấp”, theo “trình độ văn hoá”, theo “kiểu visa” hay không? Hay “tầng mây” nên được đánh giá dựa trên quan điểm sống, trên thái độ với cuộc đời, sự chăm chỉ và cần mẫn, trách nhiệm với người xung quanh… 


Nghĩ thế nào cũng được, điều quan trọng là, nếu bạn là người đánh giá con người qua bằng cấp hay tiền bạc, tin buồn là bạn sẽ không gặp người có nhiều người bằng cấp hay giàu có nhiều đâu, bạn sẽ gặp những người cũng thích đánh giá người khác qua bằng cấp và tiền bạc ấy. Mình nghĩ, đó mới là ý nghĩa thật sự của câu chuyện “mây-gió” ở trên.


Việc mở rộng mạng lưới mối quan hệ hiển nhiên sẽ giúp bạn có thêm nhiều câu chuyện, nhiều góc nhìn với cuộc đời, nhiều thứ “thông thái” khác. Đôi khi người cho bạn những lời khuyên rất “thông thái” lại có thể là một đứa trẻ với lên ba lên năm, một cụ bà đi ngang qua đường, một người khuyết tật, một CEO, một người làm nghề dọn dẹp, hoặc bất kỳ ai bạn gặp khi đi trên tàu. Khi bạn tìm cách giao lưu với nhiều người hơn, ở những nhóm khác nhau, chính là lúc bạn mở lòng ra để đón nhận thêm sự thông thái từ người khác.


Trong bài viết về tài sản hoá thân (transformational assets, trích dẫn từ cuốn sách 100-year life), mình cũng có chia sẻ quan điểm rằng những mối quan hệ đa dạng của chúng ta sẽ một ngày nào đó trở thành tài sản, thành vốn sống quý giá cho chúng ta sau này.


Đơn giản vậy thôi đó! Đừng cố giới hạn network của mình trong những người “tài giỏi”, “CEO” hay “tự do tài chính”. Hãy ngồi lại nói chuyện với ông bà nội ngoại của mình, những đứa trẻ con xung quanh mình, hoặc ai đó mỉm cười với bạn trên đườngdù có thể là họ chỉ muốn bán bánh taiyaki thôi. Họ có nhiều thứ thông thái cho chúng ta lắm đó!


Sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi, hơi ở góc độ “nạn nhân” chút xíu, như là “em đang làm sinh viên, làm sao em tìm kiếm được nhiều người ở các nhóm khác nhau?” “Em đi làm và đi học suốt ngày, em chẳng gặp được ở đâu những người thú vị?”


Hãy giảm bớt thời gian cho Instagram hay Facebook, nơi chỉ có một phần tốt đẹp lung linh nhất của mỗi người, nơi cực kỳ nhiều áp lực đồng đẳng tiêu cực. Đừng xem những bức ảnh hay những đoạn video ngắn vài phút nữa. Những mẩu thông tin đó không kể về câu chuyện của một cuộc đời, một con người. Thay vào đó, hãy cầm một quyển tiểu thuyết văn học kinh điển, kiểu như Cuốn theo chiều gió hay Kiêu hãnh và định kiến, bạn sẽ luôn tìm thấy một điều gì đó khiến bạn thấy rung động. Có thể là những suy nghĩ và hành động trong tình yêu, có thể là cách nhân vật chính thất bại và trưởng thành… Đó là câu chuyện về nhiều cuộc đời, từ khi họ còn trẻ với những thay đổi trong cuộc sống và cách họ học được những bài học của riêng họ.


Hoặc hãy đọc thêm những cuốn hồi ký, xem thêm những bộ phim tài liệu hay những bộ phim mô phỏng những câu chuyện có thật, những câu chuyện trong chiến tranh hoặc những câu chuyện về cuộc sống của con người từ vài ngàn năm trước. Khi nghĩ được rằng có rất nhiều người, sống ở những thời đại cách chúng ta rất lâu rồi, họ cũng có những lo lắng, suy nghĩ và vấn đề giống như mình, bằng cách nào đó, bạn sẽ cảm thấy được đồng cảm, được sẻ chia hơn rất nhiều.


Mình có một người bạn rất thú vị. Bạn ấy thường thích đắm mình trong những cuốn cổ văn, những cuốn sách viết từ thời Heian Nhật Bản, tức là cũng cách đây cả ngàn năm. Bạn ấy nói rằng bạn ấy thấy được sự đồng cảm.


Đúng thế, bối cảnh cuộc sống, những thứ vật chất hào nhoáng có thể thay đổi, nhưng những đấu tranh nội tâm, những nghĩ suy về cuộc đời vẫn không có vẻ gì khác chúng ta nhiều lắm. Đó là cách chúng ta vượt lên khỏi những áp lực bon chen tầm thường, mà tìm được những gì mình đồng cảm, và cũng sẽ là những gì bạn coi trọng, bạn ưu tiên trong cuộc sống. Và từ đó, bạn sẽ tìm được bản sắc của riêng mình. Đó chẳng phải chính là thứ bạn đang tìm kiếm hay sao?

3. Hoàn thành bất kỳ một việc gì đó

Hãy tạo ra cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành một cái gì đó, một cảm giác hài lòng mà bạn có thể dễ dàng cảm nhận được như vẽ một bức tranh, nấu một món ăn, tập một bài yoga, chạy thể dục một vòng, đan một mẩu khăn, dọn một căn nhà, giặt quần áo, đọc xong một quyển sách, leo một quả núi… 


Bất kỳ việc gì cũng được, miễn là đó là một việc có ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.

Khi làm những việc này, đừng nghĩ nó là việc to hay nhỏ. Bất kỳ thế nào, chỉ cần làm được và làm cho xong, hoặc nếu tốt hơn nữa, làm cho đẹp là được. Việc hoàn thành những việc này nhất định có giá trị cho ai đó, và xin nhắc lại ở đây, nên lựa chọn một việc gì đó có ích cho bản thân, gia đình hoặc xã hội, hoặc đơn giản hơn là những việc không gây hại đến ai là được. Việc này là bằng chứng rõ ràng giúp bạn đánh bại suy nghĩ “mình chẳng làm được gì nên hồn”, và từ đó tạo ra căn cứ cho sự tự tin của bạn. Sự tự tin vốn dĩ được xây dựng từ những cảm giác thoả mãn khi hoàn thành (trong tiếng Nhật là tasseikan) những việc nhỏ nhỏ như vậy thôi.


Mình nhớ có một quyển sách của Malcom Gladwell viết về những kẻ xuất chúng. Thực ra rất nhiều người trong số những người xuất chúng trong cuốn sách ấy họ không hề xuất chúng như cách chúng ta tưởng tượng. Họ bắt đầu làm một việc gì đó từ khi còn rất nhỏ, và tích lũy dần cảm giác tasseikan này qua trải nghiệm nho nhỏ của họ với sở thích của mình. Rồi sở thích dần lớn thành đam mê, thành lẽ sống và cả thành công của họ.


Mình đã từng có thời gian trầm cảm, rơi vào imposter syndrome (phức cảm yếu kém). Mình đã từng gặp nhiều khó khăn về tâm lý khi mình bắt đầu việc nghiên cứu ở trường sau đại học. Mình luôn có suy nghĩ rằng mình kém thông minh hơn những người xung quanh mình. Hoặc tệ hơn, mình cũng không quá thông minh nhưng mình lại chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ nghiêm túc để hoàn thành việc học hành của mình. Những lúc ấy mình cũng hay phóng đại suy nghĩ lên và cho rằng mình chẳng hoàn thành được gì cả. 


Khi ấy mình cũng có đọc và tìm hiểu về tasseikan, và mình đã thử cố gắng hoàn thành một việc, mà đến giờ mình vẫn thấy đó thật là sai lầm. Đó chính là tập chạy marathon trong vòng 1 năm, với cơ thể của một đứa ít khi tập thể dục. Bây giờ các bạn có thể thấy cái mục tiêu của mình không hề S.M.A.R.T (Specific - Measurable - Attainable - Relevant - Time bound) một tí nào đúng không?


Và đúng như các bạn dự đoán được, mình thất bại trong việc tập chạy :D Mình không thể duy trì được nhịp tập luyện căng thẳng như vậy. Mỗi tuần trôi qua mà mình không có PB (personal best) hay record chạy như kế hoạch, mình lại tự dằn vặt bản thân mình đến tả tơi. Kết cục là mình không chạy được marathon như mình muốn. Và phức cảm yếu kém thì vẫn còn nguyên đó, nếu không muốn nói là nó đã tăng lên ít nhiều nhất là khi mình nhìn thấy những tài khoản của các runners khác trên Instagram =.=


Sau thất bại đó, mình bắt đầu lại từ đầu, trong những việc đơn giản nhưng có ích cho bản thân mình hơn, như đi dọn nhà, đi rửa bát, đi gấp quần áo, chạy một vòng công viên bé tí xíu cạnh nhà, sửa một vài đồ gia dụng, bán một vài món đồ cũ trên Mercari. Mình thực sự đã cảm thấy tốt hơn nhờ những tasseikan đến từ những việc nhỏ bé đó.


Vậy hãy ghi nhớ mục tiêu ban đầu của chúng ta là tạo ra tasseikan, để tạo nền tảng cho những hoạt động tiếp theo. Đừng đặt mục tiêu quá xa vời khi chúng ta chỉ cần tasseikan. Đừng phạm sai lầm giống mình nhé =.=

4. Suy nghĩ về bạn và vũ trụ này ^^

Đây có là là tip cuối mình muốn chia sẻ với các bạn. Điều này hơi trừu tượng một chút và thậm chí nhiều người đang phản biện là không có cơ sở. Nhưng hãy cứ đọc hết những gì mình viết dưới đây nhé!


Không biết các bạn có nhớ cảm giác của mình hồi nhỏ, khi trải chiếu ra giữa sân thượng và nằm ngắm trăng sao không? Hay khi các bạn ra biển chơi, có lúc nào bạn đứng ngẩn người ra trước sự mênh mông của đại dương? Nếu các bạn đang ở Nhật, các bạn có nhớ cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy núi Phú Sĩ, thấy nó sừng sững đứng ở một góc trời và tưởng tượng ra mấy triệu năm trước chuyện gì đã xảy ra mà lại có thể tạo ra một ngọn núi hay ho đến vậy? Hay cảm giác khi các bạn đứng ở tháp Tokyo hoặc Skytree, nhìn xuống toàn cảnh thành phố Tokyo? Thấy những chiếc ngôi nhà nhỏ tí xíu bên dưới…


Đó là một thứ cảm giác rất đặc biệt. Thường chúng ta sẽ có chút nhẹ lòng khi tưởng tượng ra mình đang ở những nơi như vậy. Đó chính là cái cảm giác kết nối giữa bản thân mình, một con người nhỏ bé với nhiều nỗi khổ đau, với thế giới rộng lớn hơn ở bên ngoài.


Đó chính là cảm giác chúng ta với tư cách một con người (không phải là một kỹ sư IT hay phiên dịch quản lý TTS, không phải người Việt hay người Nhật) và những nỗi đau của mình là quá nhỏ bé trước vũ trụ này, cả về mặt không gian và thời gian. Những gì chúng ta hay bất kỳ con người nào khác có được, điều khiển được, kiểm soát được cũng là quá nhỏ bé trước thế giới này. Và tương tự như vậy với nỗi đau của chúng ta. Nó quá nhỏ bé giữa vũ trụ này, và nó không thể kiểm soát cả thế giới được. 


Có thể đôi lúc chúng ta sẽ thấy nỗi đau của mình là quá lớn, to lớn hơn tất cả những thứ khác trong cuộc đời này. Nhưng sự thực, nếu đứng từ một góc độ nào đó để nhìn, nỗi đau đó hay như chính cuộc đời của chúng ta cũng đều nhỏ bé, và chỉ là một khoảnh khắc trong vũ trụ này ^^ Thay vì zoom in vào nỗi đau của mình, phóng đại nó lên và bị choáng ngợp bởi nó, chúng ta có thể zoom out nó ra, đặt nó trong những không gian và thời gian lớn hơn, sẽ giúp chúng ta có được nhiều góc nhìn thú vị hơn về nỗi đau, nỗi khổ sở của mình.


Mình nhớ có một câu nói khá thú vị: Climb mountains not so the world can see you, but so you can see the world của David McCullough Jr. Bác này là hiệu trưởng một trường cấp 3 ở Mỹ và trong một buổi lễ tốt nghiệp đã có bài phát biểu “You are not special” rất thú vị. Điều này có nghĩa, khi các bạn kết nối được bản thân mình với vũ trụ này, khi bạn hiểu được mình nhỏ bé và yếu ớt thế nào giữa cuộc đời này, một cách kỳ diệu nào đó, chúng sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới mẻ và năng lượng trong cuộc sống.


Chẳng phải các bạn đang cố gắng đi tìm một góc nhìn mới trong cuộc sống đó hay sao? Sao không thử cách này? Thú vị hơn, đây là điều chúng ta nên thực hiện nhiều trong cuộc sống. Nó không chỉ tốt cho tinh thần, mà còn tốt cho cả thể chất, vóc dáng của bạn nữa. Các hoạt động ngoài trời, dưới ánh nắng mặt trời, ở nơi không khí trong lành nhiều oxy luôn tốt cho sức khỏe và tinh thần của bạn đó!


Đó là câu chuyện của chúng ta khi đứng trước áp lực đồng đẳng. Mình thực sự hy vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn.


Hy vọng bằng cách thấu hiểu cảm xúc của mình, mở lòng mình ra để đón nhận sự thông thái từ những người không ngờ tới ở xung quanh, hay cảm thấy nhỏ bé yếu ớt giữa cuộc đời có thể giúp bạn thêm vững tin vào những gì mình có thể làm được. Nghe hơi kỳ quái một chút =.= nhưng bạn có mở lòng ra để thử những thứ kỳ quái này không?


Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Nỗi đau khổ của Emma

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá