Chào hỏi và ngành dịch vụ

Mình nhớ cách đây nhiều nhiều năm có cuộc tranh luận về việc nên sửa đổi tiếng Việt, đặc biệt là phần chào hỏi và đại từ nhân xưng, để có thể phát triển được các ngành dịch vụ.


Ở Nhật, đi đâu mình cũng được các hòn bi ve (tức là người Nhật, trong ngôn ngữ của mình, ahihi) tròn xoe trong veo leng keng gọi mình là “okyakusama”, nghĩa là quý khách. Cứ thấy mình bước vào là họ sẽ nhất loạt đồng thanh “Irasshaimase”, rồi lúc bước ra lại đồng thanh nhất loạt cảm ơn cảm iếc, mong quý khách lại hạ cố đến tệ điếm lần sau.

Tất cả những câu chào hỏi trong “bộ hướng dẫn sử dụng người Nhật” này được các hòn bi ve sáng tạo ra và lưu truyền đời này sang đời khác, nâng nó lên thành truyền thống, thành nghệ thuật, góp phần đưa ngành dịch vụ Nhật trở thành thứ mang lại nhiều sự ngưỡng mộ và cảm động cho các thanh niên nước khác khi sang đây chơi và rồi moi tiền của họ.

Mình cũng hay nói với các bạn trẻ là, đừng lo gì cả, cứ học thuộc lòng hết những cái này là sống ở Nhật khoẻ rồi.

Chứ ở Việt Nam thì mọi thứ còn phức tạp hơn nhiều, phải dùng não nhiều lắm.

Về Việt Nam, những người làm dịch vụ luôn mang lại cho mình những cảm xúc khác, phong phú hơn, đa dạng hơn ở Nhật rất nhiều.

Nhớ có lần bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, chuyến đấy có vẻ toàn các chị tiếp viên hàng không lão làng làm việc thì phải, chị tiếp viên hất hàm về phía mình, mặt như bà chị cả của mình (tức là khó khó đăm đăm, như người nhà, rất thân thiện) “em uống gì em?” và mình thấy hí hởn trên suốt cả chuyến bay vì sự thân thiện ấy.

Vào ngân hàng mình sẽ được gọi bằng “chị Minh Nhật”, nhưng khi mình vào quán phở bên cạnh ngân hàng ấy, mình được chào mời rất xởi lởi “con ăn mấy bát con?”.

Xong nếu có vui miệng mà quay sang kì kèo kiểu phở giờ đắt quá bác nhỉ, bác bớt cho con đi là chuyển ngay sang “giời ơi, chúng mày có biết giá gà giá bò giờ là bao nhiêu không”. Kiểu vậy. Rất vui.

Rồi khi dạy tiếng Việt cho các bạn Anh Mỹ hay Nhật nhiếc là phải giải thích rất phức tạp cái khoản gọi ai là anh, gọi ai là cô, là chú, và nhiều khi mình cũng nâng tầm nó lên, rằng là nó có liên quan rất nhiều đến khả năng đánh giá tuổi tác vai vế thông qua dáng bộ, giọng nói, làn da, gương mặt. Nó là nghệ thuật, và cách sống, cách tôn trọng người khác, chứ tụi tao rảnh việc bịa ra để làm khó tụi mày làm gì.

Mình biết là hiện tại có rất nhiều công ty dịch vụ ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi tiếp khách hay tiếp dân.

Tỉ như phải gọi khách/dân là “Anh/chị + (tên đệm) + tên”.

Hay các bác lãnh đạo ra đồng thăm ruộng là phải gọi dân là “bà con”

Nhưng cô BTV trên chương trình Thời sự thì hình như vẫn duy trì câu chào gây tranh cãi “Xin chào quý vị và các bạn”, khiến cho hàng triệu người đều băn khoăn không biết ai là quý vị và ai là bạn của cô ấy.

Quán Net Huế thì cứ thấy mình phi xe máy vào là lại đứng cạnh cửa, mở ra cho mình xong “Net Huế xin chào 2 chị ạ” làm mình nhiều lúc đứng hình vài giây, không biết đáp lại sự vồn vã ấy thế nào. (mình toàn đi 2 chị vào đây. Hôm nào đi 1 chị 1 anh, dẫn theo người già và trẻ nhỏ xem các em ấy nói gì)

Nói chung là chào hỏi và ngành dịch vụ tất nhiên là phải có liên can đến nhau, liên can như thế nào, trong timeline làm sao, hay mỗi câu chào làm tăng bao nhiêu % doanh thu, tăng đến ngưỡng nào thì các câu chào hỏi này mất tác dụng thì mình không biết. Chỉ biết là mình thích cách bên Việt Nam mình đang làm. Nghĩa là khách hàng không phải là một người đến từ thiên đường (Thượng đế) xa xôi nào đó, mà khách hàng được nhắc đến như một con người, một thành viên trong gia đình, trong một cộng đồng thân thiết. A hi hi.

Nói chuyện gia đình, hôm trước ngồi với một em giai Nhật nói chuyện về cách chào hỏi khi ăn cơm của Nhật Bản và Việt Nam.

Thanh niên này quay sang mình rất kiểu hiểu biết, bảo mình là ở Nhật nói Itadakimasu nghĩa là như này như nọ, nói Gochisousama deshita nghĩa là cái lọ cái chai, không đâu trên thế giới mà mời ăn như người Nhật đâu ý.

Mình thấy ko phục, nên gọi hội đến giải thích cho thanh niên trẻ một bài dài về cách mời cơm của người Việt Nam, phải có eye contact ra làm sao, đứa nào phải so đũa, cầm bát lên phải mời như nào, mời từ ai đến ai, phải mời nhanh nhưng lại đảm bảo đầy đủ thông tin, trật tự như thế nào, giọng điệu ra làm sao để không bị mắng. Rất phức tạp nhưng lại rất có hệ thống.

Thằng em từ hôm ấy có vẻ nể sợ bọn mình luôn.

Nói chung là có mỗi chuyện chào hỏi vậy thôi ạ.

CHÀO BUỔI SÁNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN NHA.

Nhận xét

Đọc nhiều

HỌC ĐẠI HỌC TỪ XA Ở NHẬT

Làm sao để xử lý các suy nghĩ tiêu cực

Nỗi đau khổ của Emma

Thế hệ lỏng loẹt tại Nhật

Tiếp biến văn hoá